Điện Ngọc Hoàng nơi cầu con, cầu tự
Điện Ngọc Hoàng (HCM) từ lâu là địa chỉ đỏ của những người hiếm muộn đến xin con.
Ngôi chùa vốn là một điện thờ Ngọc Hoàng Thượng đế do một người tên Lưu Minh (pháp danh là Lưu Đạo Nguyên, người Quảng Đông, Trung Quốc) xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 20. Theo học giả Vương Hồng Sển, thì Lưu Minh là người “ăn chay ròng, giữ đạo Minh Sư, lập chí quyết lật đổ nhà Mãn Thanh, xuất tiền tạo lập chùa vừa để thờ phượng vừa để làm nơi hội kín”…
Năm 1982, Hòa thượng Thích Vĩnh Khương đến tiếp quản điện thờ. Kể từ đó điện thờ này thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đến năm 1984, thì điện Ngọc Hoàng được đổi tên là “Phước Hải Tự”.
Giữa sân chùa rộng là một bể cá đủ loại, bên phải là bể rùa. Bể nào cũng đầy ắp cá, rùa nhiều con to quá cỡ. Chúng do những người đến khấn nguyện thả vào.
Nhìn bể rùa đông đúc và các tiệm hoặc những người bưng thúng bán rùa la liệt ở ngoài cổng đủ biết số lượng người cầu con đến chùa đông như thế nào.
Ở phía bên trái chánh điện có một phòng nhỏ treo biển “Kim Hoa thánh mẫu” và 12 bà mụ. Có một cụ già hoặc một bà lão thay phiên nhau trực, chuyển lời khấn nguyện lên bề trên.
Bà lão dáng người mảnh khảnh, tóc bạc phân tích sở dĩ có sự linh thiêng ứng nghiệm là vì Kim Hoa thánh mẫu là vị thánh coi về việc sinh đẻ trên chốn nhân gian. Bên dưới bà là 12 bà mụ, mỗi bên 6 người tư thế khác nhau. Mỗi bà lo một việc, người nắn tay, kẻ nắn chân, người nắn đầu, kẻ nắn mắt, người dạy trẻ tập bước, tập nói…
“Chỉ cần thành tâm khấn nguyện, những ai sinh khó hay hiếm muộn khi cầu khẩn đến tai các bà sẽ được bà cứu khổ cứu nạn, dùng phép tiên cho được như ý” __một người già trong chùa nói
Lễ Cầu Con
– Lấy một dây chỉ màu đỏ đeo vào tay
– Thắp hương khấn nguyện trình bày nguyện vọng xin con.
Nếu cầu con trai thì khấn nguyện xong treo vòng chỉ vào các bức tượng bên phải, nữ thì bên trái. Sau đó xoa vào bụng bà mụ 3 cái rồi xoa vào bụng mình 3 cái.
Tiếp đến là xoa vào bụng đứa con nít dưới chân bà mụ 3 cái rồi lại xoa vào bụng mình 3 cái nữa.
Nghi thức trên vừa xong, thì sẽ có người ởi điện châm dầu vào các ngọn đèn, vừa châm vừa đọc thật to tên tuổi, mong muốn của người đến khấn nguyện.
Hàng ngày khách trong và ngoài nước đến chiêm bái chùa rất đông. Lễ hội lớn nhất là Vía Ngọc Hoàng diễn ra ngày 9 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm. Ngày 15 tháng 10 năm 1994, chùa Ngọc Hoàng được công nhận là một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.